Menu

Viện Hợp tác Nghiên cứu Ung thư & Phát triển Sức khỏe Cộng đồng

Ung thư gan - căn bệnh ung thư số 1 Việt Nam

Ung thư gan là bệnh ung thư đứng đầu ở Việt Nam. Theo thống kê, tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới sau Mông Cổ và Lào.

Bệnh từ viêm gan B

Anh  Nguyễn X. Q., nam, 40 tuổi trú tại Hà Nội phát hiện ung thư gan tình cơ khi anh Q. đi khám tầm soát sức khỏe. Anh Q. có tiền sử mắc viêm gan virus B mạn tính nhiều năm nay có khám và điều trị định kỳ. Các lần khám có được làm xét nghiệm định lượng AFP trong máu kết quả dao động dưới 50ng/ml. Siêu âm ổ bụng thấy nhu mô gan thô, không có khối bất thường.

Tuy nhiên kết quả xét nghiệm máu chỉ số chỉ điểm khối u gan có bất thường: AFP: 42,7ng/mL, AFP-L3: 17,9 %, PIVKA-II: 1266 mAU/mL
Bệnh nhân có chỉ số PIVKA-II tăng cao bất thường, cao gấp 31 lần trị số bình thường. Bệnh nhân được chỉ định tiếp chụp CT-scanner ổ bụng có kết quả: Gan kích thước bình thường, bờ đều; nhu mô gan hạ phân thùy VI có khối kích thước 31x37mm ngấm thuốc mạnh sau tiêm, có thải thuốc thì muộn. Tĩnh mạch cửa không giãn, không có huyết khối. Ngoài ra có sỏi thận 2 bên. Anh Q. được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan giai đoạn sớm.


 


Anh Q. được các bác sĩ cho nhập viện để điều trị. Sau 4 tháng điều trị, tình hình sức khỏe ổn định.

Trường hợp của anh N. C. V. 43 tuổi, khi vào viện sức khỏe anh V. không tốt, rất mệt mỏi, da xanh. Bệnh nhân được phát hiện bị viêm gan B hơn chục năm và không điều trị gì, đến cuối năm 2019 thì phát hiện khối u gan phải và chỉ điểm ung thư gan (AFP) trong máu cao. Bệnh nhân được nút mạch (TACE) 3 lần vào tháng 12/2019.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân mệt mỏi hơn, ăn kém, xuất hiện vàng da vàng mắt, phù hai chân.
Ung thư gan là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 6 trên thế giới với với trên 782.000 người được chẩn đoán mỗi năm. Theo báo cáo của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 trên thế giới mỗi năm có khoảng 841.000 ca mắc mới ung thư gan và 781.000 người tử vong vì căn bệnh này.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mông Cổ và Lào. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới với số mắc năm 2018 là 25.335 ca. Tỷ lệ mắc ở nam giới nước ta là 39/100.000 dân, trong khi nữ giới là 9,5/100.000 dân. Tỷ lệ mắc bệnh là 23,2 trên 100.000 người ở cả hai giới.

Vì sao ung thư gan cao?

PGS Trịnh Thị Ngọc -  Phó chủ tịch Hội gan mật Hà Nội cho biết ung thư gan ở Việt Nam có tỷ lệ mắc cao như trên là vì nước ta có tỷ lệ người dân mắc viêm gan B rất cao. Theo ước tính có khoảng 20 % dân số Việt mang virus viêm gan B trong đó có khoảng 5 % trong số họ chuyển sang giai đoạn viêm gan B mãn tính. Đây được xem là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu ở nước ta.

TS.BS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện K cho biết, ung thư gan khó sàng lọc phát hiện sớm vì ở giai đoạn sớm biểu hiện của bệnh thường mơ hồ, người bệnh ít chú ý tới. Trong đó có 80% ung thư gan là dạng ung thư ở giai đoạn đầu thường rất khó phát hiện. Phần lớn người bệnh đến khám khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn gây khó khăn cho việc điều trị.

Ở giai đoạn sớm của ung thư có thể gặp các triệu chứng của viêm gan mạn tính hoặc xơ gan tiến triển như chán ăn, đau, nặng tức vùng hạ sườn phải (HSP), trướng bụng, vàng da, củng mạc mắt. Ở giai đoạn muộn hơn người bệnh sụt cân.

Ung thư gan hiện nay vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều người vì tiên lượng khó hơn các bệnh ung thư khác và đặc biệt đây là căn bệnh đang gia tăng ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện ung thư gan là khám sức khỏe định kỳ siêu âm gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như xơ gan, viêm gan mạn tính do rượu, viêm gan virus B, C,….
Ngoài ra tiêm đầy đủ vacxin phòng viêm gan B, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại dễ làm tổn thương gan để giảm nguy cơ mắc bệnh. Khi nghi ngờ mắc ung thư gan, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, thăm chụp cắt lớp, sinh thiết gan… để đưa ra kết luận chính xác.

Theo infonet