Menu

Viện Hợp tác Nghiên cứu Ung thư & Phát triển Sức khỏe Cộng đồng

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư da

Làn da của chúng ta nhạy cảm và dễ bị tổn thương, nhất là dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Đây là nguyên nhân chính gây ung thư da. Bệnh gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như thẩm mỹ của người bệnh.

Ung thư da thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Thông thường, tế bào da sẽ phát triển theo trình tự: Tế bào mới đẩy các tế bào trưởng thành ra các lớp ngoài, khi bị đẩy lên đến lớp trên cùng, các tế bào già sẽ chết đi và bong ra.

Ung thư da xảy ra khi các tế bào da phát triển một cách bất thường, không theo trình tự trên, dẫn đến hình thành khối u.

1. Đông y có chữa được ung thư da không?

Ung thư da là kết quả của sự phát triển bất thường của các tế bào của da, thường xuất hiện nhiều trên những vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên một số dạng ung thư da phổ biến cũng có thể xảy ra trên những vùng da thường không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vì vậy, đông y không thể chữa khỏi ung thư da.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư da- Ảnh 1.

Ung thư da thường xuất hiện trên những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.

2. Cách xử trí khi bị ung thư da

Khi có biểu hiện ung thư da cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị. Tùy vào các giai đoạn ung thư da để có phương pháp chữa trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp chính:

  • Phẫu thuật: Ung thư da thường được điều trị bằng phẫu thuật để loại bỏ ung thư rộng rãi, đối với một số thể ung thư, ngoài việc cắt bỏ tổn thương sẽ cần kết hợp với việc lấy bỏ hạch vùng lân cận nhằm ngăn chặn sự di căn.
  • Xạ trị: Dùng phóng xạ tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Hoá trị: Dùng hóa chất gây độc tế bào điều trị ung thư da trong các trường hợp khối u lan rộng, di căn xa.
  • Ngoài ra, có thể thêm liệu pháp nhắm trúng đích: Sử dụng các thuốc hướng đến gen gắn vào tế bào ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc điều trị tế bào ung thư là phương pháp được nhiều bác sĩ sử dụng. Có ba cách dùng cơ bản: đường uống, đường tĩnh mạch và bôi trực tiếp trên da.
  • Liệu pháp quang động, liệu pháp sử dụng một chất nhạy cảm ánh sáng bôi lên da, sau đó chiếu ánh sáng thích hợp để tiêu diệt các tế bào ung thư.

3. Ung thư da có chữa khỏi được không?

Ung thư da nói riêng cũng như các loại ung thư khác, nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách có thể chữa khỏi. Bệnh ung thư da được phát hiện vào giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công lên đến 100% cho bệnh nhân sống hơn 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán bệnh. Nếu được phát hiện muộn, tỷ lệ thành công giảm chỉ còn 20-40%.

4. Cách chăm sóc bệnh ung thư da tại nhà

Quá trình điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích, hormone… có thể dẫn đến những tác dụng phụ trên da như khô da, tăng sắc tố, phát ban sẩn, mụn mủ, viêm da tia xạ… ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, thậm chí nặng nề khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị.

Trước hết cần tuân thủ các lưu ý sau đây:

  • Chỉ sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có độ pH = 5,5, không hương liệu, không chất xà phòng, ít tạo bọt.
  • Bôi kem dưỡng ẩm hằng ngày.
  • Bảo vệ da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Nên chọn kem chống nắng vật lý, có hoạt tính chống nắng cao, chỉ số SPF ≥ 50.
  • Tránh chà xát da quá mức, không sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết, tẩy lông.
  • Hạn chế tiếp xúc nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

Sau đó, dự đoán một số tác dụng phụ thường xảy ra với các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị hay liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp hormone… để phòng ngừa và xử trí:

  • Da khô: Thường xảy ra trên bệnh nhân điều trị hóa trị, hormone liệu pháp và liệu pháp nhắm trúng đích như erlotinib, gefitinib, cetuximab. Bệnh nhân nên bôi kem dưỡng ẩm và phục hồi thường xuyên (4-6 lần/ngày). Tránh tắm nước quá nóng và tắm lâu.
  • Tăng sắc tố da: Thường xảy ra trên bệnh nhân điều trị hóa trị với các nhóm thuốc như capecitabine, 5-fluorouracil, liposomal doxorubicin… Bệnh nhân nên tránh nắng kỹ, bôi kem chống nắng phổ rộng, có hệ số bảo vệ cao SPF ≥ 50. Có thể bôi kem làm trắng chứa các thành phần ít gây kích ứng da như niacinamide, glutathione…
  • Phát ban sẩn, mụn mủ: Thường xảy ra trên bệnh nhân điều trị nhắm trúng đích với các thuốc như: erlotinib, gefitinib, cetuximab… Cân nhắc điều trị dự phòng: tetracyclin uống 100 mg 2 lần/ ngày, kết hợp với bôi corticosteroid nhẹ, 2 lần/ngày trong 6 đến 8 tuần.
  • Da nứt nẻ, loét: Thường xảy ra trên bệnh nhân điều trị với liệu pháp nhắm trúng đích như cetuximab, erlotinib, gefitinib, cobimetinib... Bệnh nhân nên bôi chất làm mềm kết hợp tiêu sừng hàng ngày. Tránh tắm nước nóng, tắm lâu. Sử dụng kem kháng sinh (nếu có nhiễm trùng).
  • Viêm da tia xạ: Bệnh nhân không sử dụng bất kỳ loại kem nào 4 giờ trước khi điều trị; Tránh cạo râu hoặc tẩy lông, chà xát, cào gãi hoặc sử dụng băng dính trên vùng da điều trị. Chuẩn bị quần áo rộng rãi làm từ vải mềm, mịn. Tránh nắng, không chườm nóng hoặc lạnh (chẳng hạn như đệm sưởi, đèn sưởi, hoặc túi đá) lên vùng da điều trị. Bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên.

Như vậy với việc chăm sóc da chủ động được thực hiện từ trước quá trình điều trị và kéo dài xuyên suốt sẽ giúp hạn chế các tác dụng phụ do quá trình điều trị ung thư gây ra. Từ đó bệnh nhân có thể cảm thấy thoải mái và sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn.

5. Những lưu ý quan trọng khi bị ung thư da

Với bệnh nhân ung thư da cần tránh để da tiếp xúc với ánh nắng và các nguồn bức xạ UV khác trong thời gian dài. Tránh tắm nắng. Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời khi mặt trời mạnh nhất (từ 10 giờ sáng-4 giờ chiều).

Thoa kem chống nắng và son dưỡng môi có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên cho bất kỳ vùng da hở nào ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài trời và thường xuyên bôi lại.

Đội mũ rộng vành và các loại vải dệt khô, dệt chặt khi ra ngoài vào ban ngày.

Đeo kính râm có khả năng bảo vệ 100% tia cực tím B (UVB) và tia cực tím A (UVA). Tránh để da tiếp xúc với ánh nắng và các nguồn bức xạ UV khác trong thời gian dài.

Duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ và đến bệnh viện khi da có những triệu chứng lạ kéo dài không biến mất.

Đối với những người từng bị ung thư da hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này, các chuyên gia khuyên nên:

  • Thực hiện tự kiểm tra da mỗi tháng một lần;
  • Thường xuyên đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra da;
  • Ưu tiên sử dụng kem chống nắng và các hình thức chống nắng khác;
  • Tránh tắm nắng và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.

6. Chi phí khám chữa bệnh

Câu hỏi thường gặp liên quan đến ung thư da- Ảnh 2.

Thoa kem chống nắng cho bất kỳ vùng da hở nào ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài trời.

Chi phí điều trị ung thư da cũng như các loại ung thư khác rất tốn kém. Do điều trị ung thư thường mất thời gian và kéo dài cho nên người dân nên mua bảo hiểm để nhà nước hỗ trợ.

Thông thường bệnh nhân ung thư da khám chuyên khoa Da liễu (Bác sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa I) từ 105.000 - 300.000 đồng; phân tích da 320.000 đồng. Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm lâm sàng trong chẩn đoán nguy cơ mắc ung thư da, bao gồm: soi và phân tích da; siêu âm dưới da; sinh thiết vùng da bị tổn thương; xét nghiệm đột biến gen phát hiện nguy cơ ung thư da...

Ung thư da có tốc độ phát triển nhanh nên ngay khi có những dấu hiệu nghi ngờ ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để được khám và kiểm tra chính xác.

Theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/cau-hoi-thuong-gap-lien-quan-den-ung-thu-da-169240715131949207.htm