Menu

Viện Hợp tác Nghiên cứu Ung thư & Phát triển Sức khỏe Cộng đồng

UNG THƯ PHỔI VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

 Ung thư phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư trên toàn thế giới. Theo Globocan năm 2022, Việt Nam ghi nhận 24.426 ca mắc mới và 22.597 ca tử vong vì căn bệnh này. Tại Việt Nam, ung thư phổi cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu do ung thư ở cả hai giới. Có hai loại ung thư phổi chính là ung thư phổi tế bào nhỏ ( chiếm khoảng 20%) và ung thư không tế bào nhỏ (chiếm khoảng 80%), trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh hơn.

 

Nguyên nhân ung thư phổi

Thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khoảng 20 lần so với người không hút thuốc lá. Một số người có yếu tố di truyền sẽ càng dễ bị ung thư phổi nếu hút thuốc. Như vậy, nếu chúng ta tránh hút thuốc lá, tỉ lệ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi rất nhiều.

Các nguyên nhân khác bao gồm phơi nhiễm tia phóng xạ, hóa chất sinh ung thư trong môi trường ô nhiễm. Trong đó asbestos (tiếng Pháp là amiante) được đề cập nhiều nhất trong y văn.

 

Triệu chứng ung thư phổi

Thông thường ung thư phổi ở giai đoạn sớm không có triệu chứng. Khi ung thư ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân có thể có những triệu chứng như:

- Ho (có thể ho khan, ho đờm hay ho máu ).

- Đau tức ngực, khó thở, khàn tiếng.

- Sút cân, đau mỏi cơ thể

Hoặc có thể phù mặt, cổ và ngực khi tĩnh mạch lớn trong lồng ngực bị chèn ép.

Nếu khối u ở vị trí đỉnh phổi, có thể có triệu chứng đau ở tay, vai và cổ. Ở giai đoạn muộn khi có di căn xương, gan, não … bệnh nhân có thể có triệu chứng đau nhức xương, đau cột sống ( di căn xương ), đau tức bụng ( di căn gan ), đau đầu, lẫn lộn, sụp mí mắt, nhìn mờ, yếu tay chân ( di căn não ). Tất cả các triệu chứng trên có thể do các nguyên nhân bệnh lý khác không phải ung thư phổi. Nhưng khi có các triệu chứng kể trên, bệnh nhân cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa.

Chẩn đoán ung thư phổi

Chụp X.Quang phổi thường có thể nhìn thấy hình ảnh phổi hai chiều. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực dựng lại hình ảnh phổi ba chiều giúp nhận định vị trí và kích thước tổn thương tốt hơn. Chụp PET Scan sử dụng chất phóng xạ kết hợp cắt lớp vi tính trên nguyên lí tế bào ung thư hấp thụ dược chất phóng xạ nhiều nhất và sẽ hiện rõ nhất khi ghi hình.

Nội soi phế quản có thể kết hợp sinh thiết khi quan sát thấy khối u trong lòng phế quản. Sinh thiết xuyên thành ngực khi không thực hiện được sinh thiết qua nội soi phế quản. Các bác sĩ sẽ dùng kim lớn dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính đi vào đúng khối u lấy bệnh phẩm để làm xét nghiệm mô bệnh học chẩn đoán xác định bệnh.

Điều trị ung thư phổi

Có ba phương pháp chính: phẫu thuật, xạ trị và hoá trị. Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, thể ung thư, tuổi và thể trạng.

Phẫu thuật

Thường áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn sớm, khối u còn khu trú. Phẫu thuật có thể mổ mở hoặc nội soi, cắt một phần hay một thùy phổi, thậm chí có trường hợp phải cắt hai thùy hay cả phổi một bên, cùng lúc, hạch rốn phổi và hạch trung thất cũng được lấy lấy bỏ, nạo vét.

Xạ trị

Là cách dùng tia bức xạ ion hóa có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tia sử dụng có thể là tia photon, electron, neutron hay proton.

Hoá trị

Các thuốc hoá trị thường dung trong ung thử phổi là Platinum (Cisplatin, Carboplatin ), Paclitaxel, Docetaxel, Etoposide, Navelbine, Gemcitabine, Topotecan, Irinotecan, Vinblastin. Các tác dụng phụ thường gặp nhất là nôn, buồn nôn, ăn không ngon, táo bón, tiêu chảy, rụng tóc, tê bì tay chân, đau nhức cơ xương, giảm 3 dòng tế bào máu, giảm bạch cầu dễ bị sốt, nhiễm trùng, giảm hồng cầu gây mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhịp tim nhanh, giảm tiểu cầu dễ gây chảy máu. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư sẽ cho các thuốc hỗ trợ để kiểm soát các tác dụng phụ này.

Điều trị đích

Là các thuốc chỉ tác động đến tế bào ung thư, không diệt các tế bào lành, do vậy ít có tác dụng phụ hơn hóa trị thông thường. Đột biến đích EGFR thường gặp nhất trong ung thư phổi. Các thuốc đích tác động vào đích là chất tyrosine kinase của yếu tố EGFR, tyrosine kinase thúc đẩy sự tăng trưởng của tế bào ung thư phổi vốn phát xuất từ biểu mô. Qua sự ức chế hoạt động của tyrosine kinase lên sự phát triển biểu mô, các thuốc kháng EGFR có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tác dụng phụ hay gặp nhất của hai thuốc này là tiêu chảy và các phản ứng về da như ban dạng mụn trứng cá, bong da hay đóng vảy. Những triệu chứng này thường nhẹ nhưng cũng có thể rất nặng phải giảm liều hoặc ngưng hẳn điều trị.

Điều trị miễn dịch

Điều trị miễn dịch là phương thức hỗ trợ hệ thống miễn dịch nhận ra các tế bào ung thư như kháng nguyên lạ, kích thích đáp ứng miễn dịch diệt tế bào u, ngăn chặn quá trình ức chế miễn dịch cho phép dung nạp sự tăng sinh khối u thông qua một chuỗi đáp ứng sinh học miễn dịch tế bào và dịch thể.

Phòng bệnh

Nguyên nhân chính và có thể tránh được ung thư phổi là thuốc lá. Do vậy cách tốt nhất và quan trọng nhất để phòng bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá. Nếu đang hút thuốc lá nên ngừng càng sớm càng tốt, vì ngừng hút thuốc lá cũng có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi rất nhiều.

theo benhvienk.vn