Menu

Viện Hợp tác Nghiên cứu Ung thư & Phát triển Sức khỏe Cộng đồng

Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị

 Ung thư xương khá hiếm gặp chiếm chưa tới 1% trong các loại bệnh ung thư nhưng lại là một loại bệnh có độ ác tính cao. Tại Việt Nam, ung thư xương nguyên phát đứng thứ 16 về các bệnh ung thư ở cả hai giới, tỷ lệ 1,7/ 100.000 dân.

Ung thư xương nguyên phát xuất phát từ các tế bào của xương như tế bào tạo xương, tế bào tạo sụn và các tế bào mô liên kết của xương. Ung thư xương (Sarcoma xương) khá hiếm gặp chiếm chưa tới 1% trong các loại bệnh ung thư nhưng lại là một loại bệnh có độ ác tính cao. Tại Việt Nam ung thư xương nguyên phát đứng thứ 16 về các bệnh ung thư ở cả hai giới, tỷ lệ 1,7/ 100.000 dân.

Sarcoma xương chiếm 5% trong tổng số ung thư ở trẻ em.

1. Nguyên nhân ung thư xương

Nguyên nhân gây ung thư xương được chia làm 2 nhóm: tác nhân bên trong và tác nhân bên ngoài.

Các tác nhân bên trong gây ung thư xương bao gồm:

  • Rối loạn di truyền liên quan đến quá trình phân bào có gen biến dị. Do vậy ung thư xương thường gặp ở độ tuổi từ 12 – 20, lứa tuổi xương phát triển nhanh.
  • Bệnh ung thư di truyền có thể kèm theo ung thư xương như ung thư liên bào võng mạc mắt.
  • Rối loạn gen P53 – một loại gen ức chế ung thư làm mất khả khả năng kiểm soát các gen biến dị. Hậu quả là các tế bào dị sản nặng, phân bào nhiều lần rồi biến dạng thành tế bào ung thư.
  • Một số bệnh lành tính của xương có thể chuyển dạng thành ung thư xương như chồi xương sụn, quá phát bản sụn đầu xương dài, bệnh Paget của xương, loạn sản xơ.
  • Người có tiền sử gia đình mắc sarcoma như hội chứng Li-Fraumeni cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp.

Các tác nhân bên ngoài gây ung thư xương bao gồm:

  • Người từng xạ trị vào thời kỳ thanh thiếu niên có thể bị ung thư xương khi ngoài 40 tuổi. Một số trường hợp xạ trị để điều trị các căn bệnh ung thư khác có nguy cơ bị ung thư xương ở khu vực được điều trị. Tỷ lệ tăng cao khi người bệnh còn trẻ tuổi và được điều trị với lượng phóng xạ lớn.
  • Một số trường hợp ung thư xương xuất hiện sau khi bị va đập hoặc gãy xương. Lúc này chấn thương làm bong mảng xương, khởi động tế bào xương quá sản. Tuy nhiên chưa thể khẳng định chấn thương là nguyên nhân gây ra ung thư xương hay đây chỉ là trường hợp ngẫu nhiên.

2. Triệu chứng ung thư xương

Ung thư xương thường gặp ở độ tuổi thanh thiếu niên khi chiều cao đang phát triển và có phần nhanh hơn so với trẻ cùng lứa. Trong đó trẻ nam gặp nhiều hơn trẻ nữ. Ung thư xương thường gặp ở "gần gối, xa khuỷu".

Nghĩa là theo vị trí, ung thư xương thường xuất hiện ở các vị trí như:

  • Đầu trên xương chày
  • Đầu dưới xương đùi (gần gối)
  • Đầu trên xương cánh tay
  • Đầu dưới xương quay (xa khuỷu)
  • Về các loại ung thư xương, thường gặp nhất là xương dài và một số xương dẹt (xương chậu, xương bả vai).

Cũng như các loại bệnh ung thư khác, ung thư xương tiến triển âm thầm và có biểu hiện không quá nhiều. Chủ yếu người bệnh thường đau âm ỉ ở phần xương dài (xương đùi, xương cẳng chân) và các cơn đau nằm sâu bên trong khiến người bệnh nhầm lẫn với đau xương khớp. Thuốc giảm đau thông thường không làm thuyên giảm các cơn đau do ung thư xương gây ra.

Dưới đây là một số dấu hiệu bất thường có thể cảnh báo nguy cơ ung thư xương, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chẩn đoán.

Đau: Đây là triệu chứng thường gặp nhất khi bị ung thư xương. Cơn đau thường mơ hồ sau đó cảm nhận rõ cơn đau theo từng đợt ngắn, khó chịu. Cơn đau thường xuất hiện về đêm. Ở giai đoạn sau, cơn đau rõ hơn và liên tục, dùng thuốc giảm đau không có tác dụng. Khối u có thể được phát hiện cùng lúc hoặc trước/sau khi xuất hiện triệu chứng đau.

Xuất hiện u: Người bệnh có thể cảm nhận bằng tay khối u chắc, nổi gồ trên bề mặt da, bờ không rõ và không đau khi ấn vào. Càng về sau, u càng to nhanh gây biến dạng và xâm lấn vào phần mềm, đau khi thăm khám. Những khối u này gây tăng sinh mạch máu khiến da ấm nóng hơn các vùng khác. U có thể mềm, cứng, căng do tụ máu, ở giai đoạn muộn u vỡ ra bên ngoài da gây chảy máu, bội nhiễm.

Xương yếu dễ gãy: Ung thư tiêu hủy xương gây gãy xương tự phát và khiến người bệnh có cảm giác đau chói, giảm cơ năng. Một số trường hợp gãy xương do va chạm nhẹ thường bị nhầm lẫn là gãy do chấn thương. Gặp từ 1,2 đến 5% các trường hợp

Ung thư xương hay di căn phổi, có thể phát hiện thông qua chụp X-quang phổi. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi. Vị trí xương bị bệnh có thể to lên hoặc bị gãy xương không do chấn thương, đi khập khiễng.

Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Ca phẫu thuật thay toàn bộ xương đùi đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện tại Bệnh viện K năm 2020.

Cận lâm sàng phát hiện ung thư xương

  • X-quang: đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán các khối u xương, hình ảnh tạo xương hoặc tiêu xương hỗn hợp.
  • Cắt lớp vi tính: đánh giá lan rộng của tổn thương trong xương, phát hiện sự hủy xương dưới vỏ, các gãy xương khó thấy.
  • MRI: đánh giá sự lan rộng khối u trong tủy xương, mô mềm, đánh giá sự nhậy cảm của tế bào sarcoma với hóa trị.
  • Xạ hình xương: theo dõi tiến triển, giúp phát hiện ra các ổ di căn xương
  • PET: chỉ định khi các biện pháp trên không xác định được tổn thương.

Chẩn đoán giải phẫu bệnh

Sarcoma xương có 8 loại theo mức độ ác tính từ cao đến thấp:

  • Sarcoma xương thể thông thường
  • Sarcoma xương tế bào nhỏ
  • Sarcoma xương bề mặt ác tính cao
  • Sarcoma xương dạng dãn mạch
  • Sarcoma xương thứ phát
  • Sarcoma xương trung tâm ác tính thấp
  • Sarcoma xương cận vỏ
  • Sarcoma xương màng xương

3. Ung thư xương có lây không?

Ung thư xương không phải là bệnh truyền nhiễm.

Ung thư xương: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 3.

Ung thư xương được biết đến là loại ung thư ác tính, tiến triển nhanh và có tiên lượng xấu.

4. Phòng ngừa ung thư xương

Hiện tại chưa có cách nào để ngăn ngừa hoàn toàn được ung thư xương. Một số yếu tố nguy cơ bên trong như tuổi tác, một số bệnh về xương và tình trạng di truyền… đều không thể thay đổi được.

Ngoài việc tiếp xúc với bức xạ (thường là trong quá trình xạ trị) thì không có nguyên nhân gây ung thư xương nào liên quan đến lối sống hoặc môi trường. Vì vậy tại thời điểm này không có cách nào để chống lại bệnh ung thư xương.

Tuy nhiên bạn có thể thực hiện một số phương pháp sau để giảm thiểu nguy cơ ung thư xương:

  • Bổ sung canxi, magie và stronti trong chế độ ăn hằng ngày. Nên lựa chọn các thực phẩm nhiều chất xơ và vitamin như rau xanh, trái cây, các thực phẩm giàu acid béo Omega-3. Bên cạnh đó cần giảm đồ ăn nhiều chất béo, dầu mỡ.
  • Duy trì lối sống khỏe mạnh bằng cách tránh xa các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá…), tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Hấp thụ vitamin D tự nhiên bằng cách phơi nắng vào sáng sớm giúp giảm nguy cơ ung thư xương. Đồng thời hạn chế tiếp xúc với không khí ô nhiễm và tia UV.
  • Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh ung thư xương, cần lưu ý các dấu hiệu bất thường đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện những dấu hiệu sớm của ung thư xương.

5. Điều trị ung thư xương

Tùy thuộc vào loại ung thư xương và mức độ lan rộng, người bệnh sẽ có những phương án điều trị khác nhau.

Nguyên tắc điều trị: theo thể giải phẫu bệnh kết hợp với giai đoạn

Bốn thể ác tính cao G2 (Ennerking): Sarcoma xương thể thông thường, Sarcoma xương tế bào nhỏ, Sarcoma xương bề mặt ác tính cao, Sarcoma xương dạng dãn mạch.

Ba thể ác tính thấp G1 : Sarcoma xương trung tâm ác tính thấp, Sarcoma xương cận vỏ, Sarcoma xương màng xương.

Phẫu thuật: Nguyên tắc của phẫu thuật là lấy hết phần tổn thương ung thư và lấy rộng tổ chức cân cơ bị ung thư xâm lấn. Thông thường có thể tái tạo hoặc thay thế phần xương đã bị cắt bỏ. Trong một số trường hợp di căn lan rộng cần phải cắt cụt chi, không thể bảo tồn. phẫu thuật bảo tồn chi bằng ghép đoạn xương, hoặc thay khớp với các u còn khu trú, đáp ứng tốt với điều trị hóa chất.

Hóa trị: Điều trị bằng hóa chất ngày càng rộng rãi trong ung thư nguyên phát ở xương. Đây là phương pháp sử dụng thuốc kháng ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Các bác sĩ thường sẽ căn cứ vào tình trạng của từng người bệnh đề nghị kết hợp các loại thuốc với nhau. Hóa trị có thể dẫn đến các tác dụng phụ (buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy…).

  • Hóa trị liệu trước phẫu thuật: Làm giảm khả năng phải cắt cụt chi hoặc tháo khớp. đánh giá độ hoại tử xương theo Huvos độ I 0-50%, độ II 50 -95%, độ III > 95%, độ IV hoại tử 100%. Đáp ứng độ II, IV là đáp ứng tốt.
  • Hóa trị sau phẫu thuật: Khoảng 80% bệnh nhân sarcoma xương được điều trị phẫu thuật đơn thuần xuất hiện di căn, hóa trị sau phẫu thuật làm tăng đáng kể thời gian sống thêm không tái phát, cũng như sống thêm toàn bộ.

Một số phác đồ hóa chất điều trị xương : EOI, IPE, MAP, Gemcitabine + Docetaxel, MBCAD

Xạ trị: Hầu hết ung thư xương không đáp ứng với xạ trị, sarcoma là loại kháng tia thường dung với liều xạ dưới 60Gy chỉ khống chế được u thoáng qua. Tuy nhiên sarcoma Ewing (một loại ung thư xương hiếm gặp) tương đối nhạy cảm với xạ trị. Phương pháp này sử dụng tia X để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị cũng thường được kết hợp với phẫu thuật trong điều trị ung thư xương.

Điều trị miễn dịch sinh học: các nghiên cứu điều trị miễn dịch, sinh học trên bệnh sarcoma xương bước đầu có khả quan với các sản phẩm: pazopanib, trabectedin, phác đồ Sorafenib + everolimus, sorafelib 800mg uống / ngày.

Điều trị triệu chứng: Giảm đau, liệu pháp vận động, xạ trị chống đau, phẫu thuật hoặc xạ trị nếu có nguy cơ gãy xương cao.

theo suckhoedoisong.vn

https://suckhoedoisong.vn/ung-thu-xuong-nguyen-nhan-trieu-chung-phong-ngua-va-dieu-tri-169240707001743615.htm