Ung thư là căn bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, trong đó phổ biến là ung thư dạ dày, gan, phổi, đại trực tràng ở người cao tuổi. Còn những bệnh ung thư mà giới trẻ thường mắc phải là: Các ung thư nguyên bào thận, nguyên bào gan, nguyên bào thần kinh, nguyên bào võng mạc, sarcoma cơ vân thể bào thai, ung thư tế bào mầm, ung thư xương, bệnh bạch cầu, ung thư hạch... Xét trên bình diện chung, những người mắc ung thư vẫn tập trung ở lứa tuổi từ 50 đến 60.

Vì sao bệnh nhân ung thư ngày càng trẻ hóa?
Các bác sĩ tại Bệnh viện K tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. Ảnh: HÀ VŨ

Theo các nhà khoa học trên thế giới, từ 3 đến 10% bệnh ung thư phát sinh do rối loạn bên trong cơ thể con người và những tổn thương có tính di truyền. Còn hơn 80% ung thư có liên quan đến môi trường sống, bao gồm các thói quen như: Hút thuốc lá, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm độc hại hay ô nhiễm môi trường... Trong những yếu tố có thể liên quan đến ung thư từ môi trường sống thì thực phẩm “bẩn” đứng hàng đầu với khoảng 35%, tiếp đến là thuốc lá 30%... Ở nước ta, cũng như một số nước châu Á, tình trạng ung thư đang có dấu hiệu trẻ hóa. Điển hình là ung thư vú được ghi nhận trẻ hơn 10 tuổi so với các nước khu vực châu Âu, châu Mỹ. Mặc dù nước ta vẫn chưa có nghiên cứu đầy đủ nào để tìm ra nguyên nhân của tình trạng trẻ hóa căn bệnh ung thư, nhưng các nhà khoa học trong nước cũng chỉ ra một số nguyên nhân ban đầu như sau: Thứ nhất, do môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề hơn; thứ hai, việc tiếp xúc của con người với những yếu tố độc hại và tần suất tiếp xúc cao hơn. Được biết, Bệnh viện K từng tiếp nhận và điều trị cho những bệnh nhân mắc ung thư vòm họng, ung thư dạ dày ở độ tuổi lên 9, ung thư vú trong độ tuổi 18 đến 20, ung thư tuyến giáp cũng có những bệnh nhân mới 20 đến 30 tuổi.

Theo GS, bác sĩ Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K: Để ngăn chặn tình trạng ung thư nói chung và tình trạng trẻ hóa ung thư nói riêng, việc đầu tiên người dân cần ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Ví dụ, không ăn dưa bị hỏng bởi có chứa nhiều chất nitrosamine là nguyên nhân gây ung thư vòm họng và ung thư vùng cổ; không ăn gạo mốc do có chất aflatoxin gây ung thư gan. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, để tăng sức đề kháng. Quan trọng hơn cả là phải biết nói không với thuốc lá, vì hiện nay đã có nhiều phụ nữ mắc ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động.

 GS, bác sĩ Trần Văn Thuấn đưa ra khuyến cáo: Ung thư không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ, bởi vì nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ thì cơ hội khỏi bệnh, kéo dài tuổi thọ sẽ rất cao. Chính vì vậy, người dân nên duy trì chế độ khám sức khỏe tối thiểu một hoặc hai lần/năm để tầm soát, phát hiện sớm các loại bệnh tật, trong đó có ung thư. Đặc biệt, đối với những nhóm có nguy cơ cao, như nghiện rượu, bia, thuốc lá; làm việc trong môi trường độc hại... thì càng nên tầm soát dày hơn và sớm hơn. 

Tựu chung lại, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng cách cải thiện môi trường sống, tránh xa những yếu tố độc hại (thuốc lá, rượu, bia); tích cực tập thể dục, thể thao để rèn luyện thân thể. Ngoài ra phải cẩn thận trong ăn uống, không sử dụng nguồn thực phẩm kém chất lượng, ẩm mốc, nguồn gốc không rõ ràng. Làm được điều này chúng ta sẽ góp phần phòng, tránh các loại bệnh tật nói chung và bệnh ung thư nói riêng.